Chú trọng đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, do đó khi các Shark khác đều từ chối cấp vốn thì Shark Thủy lại mạnh tay "rót" nửa triệu USD cho start-up tham vọng thay đổi hành vi sử dụng iPad của trẻ em.
Khán giản chương trình Thương vụ bạc tỷ – Shark Tank Việt Nam 2018 tập 11 phát sóng ngày hôm qua đã chứng kiến màn gọi vốn thành công của Giám đốc điều hành Công ty CP Magic Book - Bùi Quang Huy.
Tham gia chương trình, Bùi Quang Huy kêu gọi các Shark đầu tư số vốn 500.000 USD lấy 20% cổ phần công ty cho sản phẩm đồ chơi thông minh Magic Book.
Nắm bắt được tâm lý của trẻ em hiện nay thường rất say mê các thiết bị điện tử, công nghệ và sử dụng thành thạo, trong khi đó các bậc phụ huynh lại tỏ ra dè chừng, lo ngại khi con mình sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều.
Từ đây, công ty của Bùi Quang Huy giới thiệu sản phẩm "chiều lòng" được đối tượng khách hàng là cả trẻ em lẫn bố mẹ trẻ.
Magic Book ra đời với mong muốn giải quyết thực trạng trẻ em sử dụng công nghệ thường có xu hướng lãng quên các trò chơi truyền thống. (Ảnh cắt từ clip)
Để giới thiệu và chứng minh những ưu điểm trong sản phẩn của mình, Quang Huy nhờ người bạn đồng hành nhí của mình là bé Tuyết Nhi sử dụng bộ sản phẩm ngay tại trường quay. Bé Tuyết Nhi sẽ vẽ chân dung Shark Nguyễn Xuân Phú bằng bút màu trên giấy, nhờ vào sự hỗ trợ của Ipad tạo nên sự sinh động, trực quan và thu hút bé vẽ tranh.
Giám đốc công ty Magic Book khẳng định, hệ thống sản phẩm đồ chơi thông minh Magic Book đã được sản xuất thành công và đưa ra thị trường vào năm 2017: "Magic Book là nền tảng kết hợp giữa thiết bị công nghệ và đồ chơi vật lý, để tạo ra các sản phẩm giúp các trẻ em có độ tuổi từ 3 - 15 học tập, vui chơi an toàn.
Đây là sản phẩm đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cũng như khu vực châu Á đi theo xu hướng kết hợp công nghệ với đồ chơi vật lý".
(Ảnh cắt từ clip)
Sau phần giới thiệu của star-up, các Shark tỏ ra chưa được thuyết phục và bắt đầu quan tâm đến doanh thu, thị trường của mặt hàng đồ chơi công nghệ kết hợp giáo dục.
"Bộ kit này giá bán trên thị trường khoảng 150.000 đồng, còn các bộ dùng để chơi khoảng 250.000 đồng. Hiện tại công ty đã cho ra các sản phẩm để các bé: tập vẽ, học tiếng Anh, học tiếng Việt, phát triển tư duy sáng tạo, chơi xếp hình, xếp chữ...
Magic Book đang được bán hàng trực tiếp qua website, các kênh truyền thống như: nhà sách, cửa hàng đồ chơi thông minh và một số trang thông tin thương mại điện tử lớn như: Lazada, Tiki…
Sau 6 tháng thử nghiệm thị trường, Magic Book đã bán được 1.500 sản phẩm tương dương doanh số khoảng hơn 300 triệu trong 3 tháng đầu tiên, hiện tăng 4.000 sản phẩm trong 3 tháng gần đây".
Trả lời câu hỏi của Shark Thủy, giám đốc điều hành công ty chia sẻ chi phí sản xuất một sản phẩm chiếm 25%, chi phí phần mềm sau 2 năm đầu tư là 2,5 tỷ đồng.
Quang Huy dự kiến trong năm đầu tiên sẽ bán ra 4.000 sản phẩm, năm thứ 2 là 100.000 sản phẩm và năm thứ 3 là 150.000 sản phẩm. Như vậy, sau 3 năm nhà đầu tư có thể nhanh chóng thu hồi vốn.
Start-up cho biết, Magic Book tập trung chính vào đối tượng 5 -12 tuổi nhưng biên độ cho phép có thể mở rộng trong khoảng 3-15 tuổi, bởi chẳng hạn như việc học tiếng Anh thì có thể ở bất kỳ độ tuổi nào, do vậy dung lượng thị trường tiềm năng này có khoảng 7,5 triệu người dùng.
Các Shark cho rằng dự án của Quang Huy chưa đo được bằng doanh thu và lợi nhuận. Đồng thời, Shark Thuy cũng vô cùng băn khoăn, sản phẩm kết hợp giữa công nghệ - vật lý và giải trí - giáo dục thì sẽ làm không tới
Cuối cùng, Bùi Quang Huy đã đánh trúng tâm lý của Shark Thủy, là một người vốn quan tâm về giáo dục, khi anh khẳng định: "Nền tảng phát triển của công ty bọn em là làm về sản phẩm giáo dục ứng dụng công nghệ và trong công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ, kích thích trẻ vừa học, vừa chơi lâu hơn..."
Lời khẳng định dùng công nghệ hỗ trợ cho giáo dục đã cởi bỏ được sự đắn đo của Shark Thủy trước đó: "Anh nghĩ hướng đi này có tiềm năng, vì hiện nay công nghệ trong giáo dục là thị trường rất phát triển trong tương lai. Nhưng nếu em vẫn giữ cách làm cũ thì anh nghĩ sẽ gặp rất nhiều khó khăn".
Dù hơi băn khoăn về định vị của Magic Book, Shark Thủy vẫn đề nghị 300.000 USD đổi lấy 30% cổ phần công ty và 300.000 USD còn lại là trái phiếu chuyển đổi trong vòng hai năm.
Shark Thủy quyết định chi nửa triệu USD vào start-up tham vọng sử dụng công nghệ cho giáo dục, dù màn gọi vốn chưa thực sự thuyết phục.
Trước lời đề nghị này, giám đốc điều hành Bùi Quang Huy bày tỏ mong muốn nhận được 300.000 USD để đổi lấy 30% cổ phần từ Shark. Tuy nhiên, mức định giá này ngay lập tức bị Shark Thủy bác bỏ, ông phân tích:
"Anh nghĩ mức giá anh đưa ra là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề của em là sản phẩm chưa có doanh thu, chưa chứng minh độ hot của sản phẩm. Công ty không thể định giá 2,5 triệu USD được, chỉ dao động từ 600.000-700.000 USD thôi".
Cuối cùng, thương vụ thành công, hứa hẹn làm thay đổi hành vi sử dụng các thiết bị công nghệ của trẻ em, mang lại nhiều lợi ích cho trẻ khi ứng dụng công nghệ vào giáo dục.