Cả 5 nhà đầu tư đều từ chối rót vốn vào Sprint Hero trong Shark Tank Việt Nam vì cho rằng phần trình bày của nhà sáng lập gây ức chế hơn game.
Thách thức Flappy Bird
Ra mắt Shark Tank Việt Nam vào tối 12/9 với phong cách ninja (bịt mặt), Phạm Mỹ Mãn giới thiệu đến nhà đầu tư dự án game ức chế tới mức muốn đập điện thoại - Sprint Hero – do anh tự lập trình. Anh kêu gọi số tiền 5 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần Công ty Agritelecom.
Phạm Mỹ Mãn, người tạo ra trò chơi ức chế Sprint Hero trong Shark Tank Việt Nam vào tối 12/9.
Mỹ Mãn cho biết, Sprint Hero thực sự khác biệt, gây ức chế gấp nhiều lần so với Flappy Bird - một trong những trò chơi đình đám từng là niềm tự hào của người Việt. Khi Sprint Hero ra mắt, trò chơi đã được loạt báo Việt, Nga, Hungary và cả Google News đưa tin.
Chàng kỹ sư Đại học Bách Khoa TP.HCM tự tin khẳng định mình có thể thiết kế được hết các phần mềm về viễn thông, công nghệ thông tin có giá trị triệu USD. Anh còn tự chuẩn bị nền tảng rất lớn để xây dựng công ty tỷ USD. Sau khi đạt mục tiêu, anh sẽ đủ sức mạnh trí tuệ, tài chính, công nghệ để can thiệp vào nền công nghiệp Việt Nam.
"Hiện nay trên thế giới không ai thiết kế được với số lượng không giới hạn ngoài em. Nếu nhà đầu tư tin tưởng vào những người trẻ dám nghĩ dám làm thì hãy rót vốn cho em", Mỹ Mãn tuyên bố.
Tham vọng trở thành triệu phú
Hiện tại, LightEaters là trò chơi gây sốt trên thị trường với 50 triệu lượt tải, thu về 3 triệu USD/ tháng. Nhưng ông chủ nhỏ cho rằng Sprint Hero gây ức chế, gây nghiện mạnh hơn. Mặc dù game mới đạt khoảng 10 nghìn lượt tải nhưng anh kỳ vọng công ty sẽ tạo ra doanh thu 5 triệu USD/tháng.
Ngoài ra, nhà sáng lập còn hăng hái chia sẻ thông tin, kiến thức về marketing, sale mà anh nghiên cứu với dàn "cá mập". Nếu có khoản đầu tư 5 tỷ đồng, Mỹ Mãn không giấu tham vọng rằng nhanh chóng trở thành triệu phú USD.
Giám đốc CyberAngent – ông Nguyễn Mạnh Dũng – nói ông từng đầu tư vào Colobox là công ty game ức chế đầu tiên Việt Nam phát triển trên nền tảng Smartphone. Sau 1 tháng, trò chơi có 2 triệu lượt tải, nhưng không đi đến đâu dù năng lực sản xuất ra rất nhiều. Người dùng có nhiều lựa chọn, Sprint Hero chỉ là 1/5.000 trò chơi lựa chọn được đẩy lên App Store hằng ngày.
"Em không quan tâm một ngày có bao nhiêu app lên Store, em nhỏ mà quan tâm số đông sao? Quan trọng là cái đầu", Mỹ Mãn đáp lại. Anh vẫn tự tin so sánh bản thân với hai "đại gia" ngành game là Fando và Ketchapp.
Chàng trai tiết lộ, anh bắt đầu khởi nghiệp từ khi là sinh viên khi thành lập hội Gia sư giỏi. Tốt nghiệp đại học, anh thành lập dự án về phần mềm quản lý nha khoa. Tuy nhiên, công ty đã thất bại và anh đang bị lưu tên tại chi cục thuế vì không có tiền đóng thuế.
Phần trình bày ức chế hơn game
Chủ tịch Sunhouse Nguyễn Xuân Phú là người đầu tiên từ chối rót vốn. Ông Dũng cũng nhanh chóng rút lui vì cho rằng lĩnh vực này quá cũ, không mới. Thậm chí, ông đã từ bỏ đầu tư game từ nhiều năm trước.
"Tôi thấy là bạn giống như cuốn sách. Tất cả những gì bạn nói ra đều là lý thuyết hết. Bạn đang dạy lại tôi về tiếp thị, thu hút khách hàng trên AppWork. Tôi thấy rất buồn cười. Đó là những điều quá cơ bản và cách bạn nói như vừa mới khám phá ra. Bạn không chia sẻ điều gì mới mẻ, cụ thể dựa trên những việc bạn thực hiện. Tôi có cảm giác bạn chưa đủ kinh nghiệm về thực tế, nên tôi không đầu tư", Thái Vân Linh nói.
Phó chủ tịch tập đoàn CEN thẳng thắn trải lòng vì cảm thấy quá ức chế nên không xuống tiền. Ông Hưng khuyên Mỹ Mãn đừng nghe các "shark" vì chưa ai có doanh nghiệp tỷ USD. Đồng quan điểm với 4 nhà đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Thủy "lắc đầu" kèm theo lời khuyên startup nên thực tế hơn.
"Có vẻ em sống trong môi trường ảo nhiều quá nên phần trình bày kinh doanh của em không thực tiễn", ông bình luận.
Khi nhà sáng lập rời đi, cả 5 doanh nhân đều bày tỏ sự ức chế. Nhà đầu tư Hưng, Dũng liên tục bày tỏ quan điểm "game ức chế dễ sợ", "trình bày còn ức chế hơn"