Chị Thu, chủ một doanh nghiệp thu mua và cung ứng cà phê xuất khẩu đóng tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, thở dài ngao ngán vì còn đến 200 tấn cà phê mua xong chưa bán được.
Nguồn: ICO
Trước ly cà phê pha để đến nguội chưa uống, chị đang mong thời gian chậm lại vì còn hơn nửa tháng nữa thôi là thị trường cà phê thế giới và Việt Nam bước qua niên vụ mới 2018-2019.
Không trữ, nhưng... Kẹt không bán được!
Thường hai tháng 9 và 10 hàng năm, khoảng thời gian mà các nhà kinh doanh cà phê gọi là "giáp hạt", hàng hóa cũ nếu còn tồn thì cũng rất ít, trong khi cà phê của mùa mới chưa kịp ra hàng. Nhưng năm nay, trường hợp như chị Thu khá phổ biến. Cũng như chị, nhiều người nghĩ giá cà phê nguyên liệu mỗi ki lô gam mức 37.000 đồng là rẻ rồi nên mua vào. Không ngờ giá liên tục giảm, đến nay cứ mỗi tấn bị lỗ 5 triệu đồng, tính ra giá trị của 200 tấn cà phê trong kho của chị Thu đã giảm so với vốn bỏ ra mua ban đầu là 1 tỉ đồng, chưa kể tiền trả lãi vay ngân hàng và giá trị bị hao hụt tự nhiên vì lưu kho lâu ngày.
Dù không có ý định trữ, nhiều doanh nghiệp đã không bán được hàng vì không cân đối được đầu vào và đầu ra. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu cứ báo rằng chưa có hợp đồng mới nên hàng hóa nhiều nơi vẫn bị "kẹt cứng" trong kho nhà riêng hay tại nơi ký gửi.
Càng lo hơn khi có quá nhiều thông tin cho rằng sản lượng cà phê Brazil - nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới và đứng nhì về cà phê robusta, năm nay đã thu hái xong với 60 triệu bao (60 ki lô gam/bao). Nhiều công ty nước ngoài có nhân lực rảo quanh vùng sản xuất để điều tra sản lượng cũng báo rằng niên vụ tới cà phê Việt Nam được mùa. Dù chưa biết tin ai, nhưng vừa qua ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao (Vicofa), cho biết sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ tới, bắt đầu từ 1-10-2018, giảm 3,4% (còn 28,5 triệu bao) nên "cũng hơi đỡ lo", chị Thu tự an ủi thế.
Lý do rớt giá
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho biết mặt bằng giá bình quân cà phê thế giới nói chung tính theo chỉ báo phức hợp của họ trong tháng 8-2018 giảm xuống mức sâu nhất kể từ 57 tháng nay, còn ở mức 102,41 xu/cân Anh (cts/lb), tương đương với 2.258 đô la Mỹ/tấn, ngang với mức đã từng xuất hiện vào tháng 11-2013.
Riêng về cung cầu, lượng đơn hàng chào bán nhiều hơn mua. Thật vậy, trong mười tháng đầu niên vụ hiện hành (tháng 10-2017 đến tháng 8-2018), xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 101,2 triệu bao, tăng 0,9% so với cùng kỳ 2017. Tháng 8-2018 cũng là tháng thứ ba liên tiếp giá cà phê thế giới giảm, giá robusta, loại cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm 4,4% và giá arabica chế biến khô của Brazil giảm 5,5%. Chỉ trong tháng 7-2018, hai nước đứng đầu xuất khẩu cà phê thế giới này đã đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu so với cùng kỳ 2017 rất ấn tượng: Brazil tăng 24,2%, đạt 2,33 triệu bao, và Việt Nam tăng 20,7%, đạt 2,22 triệu bao.
Nếu giá trên các sàn kỳ hạn robusta London và arabica New York phần nào đó phản ánh cung cầu, thì ai mua hàng từ đầu năm để trữ đến nay đều lỗ, với robusta giảm 18% và arabica mất 27,5%.
Đoán giá cà phê đầu mùa
Đương nhiên các dự báo đều rất cẩn thận, nhưng ít ai dám nói giá cà phê sẽ tăng mạnh từ nay cho đến cuối năm 2018.
Brazil được mùa, đó là điều cần khẳng định. Trước đây, khi nghe nói Brazil đạt chừng 50 triệu bao, các nhà kinh doanh cà phê thế giới phải trố mắt và lo ngại cho sự ổn định của giá cả, thì nay với 60 triệu bao, chuyện gì đến phải đến.
Chỉ nói riêng Brazil với tư cách là nước cạnh tranh xuất khẩu robusta đáng gờm nhất của Việt Nam, nước này có lợi thế là họ tiêu thụ nội địa lớn. Khi giá robusta rẻ, họ để dành tiêu thụ trong nước, khi giá robusta cao so tương quan với giá arabica, họ lại xuất khẩu robusta và sẵn sàng chấp nhận bán với giá rẻ hơn. Lại thêm đồng tiền reais Brazil (BRL) đang mất giá liên tục, từ 3,5 BRL ăn 1 đô la Mỹ thì nay có khi đến 4,2 BRL, nên đã khuyến khích nông dân Brazil bán mạnh.
Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các khối nước như Trung Quốc, EU... Đã gây bất lợi cho giá nông sản nói chung, kể cả các loại nông sản mà Mỹ là nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu như đậu nành, bông vải...
Giá trị đồng đô la Mỹ có khuynh hướng tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản, cũng ảnh hưởng xấu đến giá hàng hóa nông sản nói chung.
Lãi suất ngân hàng tăng, khả năng tiếp cận nguồn vốn thu mua khó sẽ làm nhà nhập khẩu cà phê chỉ mua khi cần và mua một cách thận trọng với lượng hạn chế.
Đó là bức tranh chung của thị trường cà phê thế giới trong những tháng cuối năm 2018. Nhìn theo hướng này xem ra gam màu xám còn khá đậm, nhưng đấy là thực tế những gì đang xảy ra.
Nếu như giá trên sàn kỳ hạn robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng làm tham chiếu, cuối tuần trước (8/9/2018) đóng cửa ở mức 1.491 đô la/tấn sau khi vượt khỏi đáy 1.465 đô la/tấn, và giá cà phê nội địa ở mức 32 triệu đồng/tấn, thì dám nói rằng đó chưa phải là mức thấp nhất cho khoảng thời gian từ nay đến cuối năm.