Giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ giảm trong tuần này khi đồng rupee suy yếu, đồng thời gây áp lực lên nhu cầu đối với gạo Việt Nam.
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm vì tỷ giá đồng rupee suy yếu
Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đã giảm 3 USD/tấn xuống còn 389 - 393 USD/tấn trong tuần này.
"Đồng rupee suy yếu cho phép chúng tôi hạ giá, nhưng đồng thời các đối thủ cạnh tranh cũng đang giảm giá gạo của họ", một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada phía Nam bang Andhra Pradesh cho biết.
Đồng tiền Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (16/8).
Tính đến ngày 10/8, người nông dân tại Ấn Độ đã gieo vụ lúa mùa Hè trên 30,78 triệu ha, giảm 2,9% so với một năm trước vì lượng mưa không đủ.
Hồi đầu tháng, một đài dự báo tư nhân cho biết, lượng mưa trong mưa gió mùa ở Ấn Độ có thể thấp hơn mức bình thường vào năm 2018, gia tăng lo ngại về sản lượng nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế tại nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, với một nửa đất nông nghiệp thiếu nước tưới.
Ảnh minh họa.
Giá gạo Việt Nam vẫn cao hơn so với các đối thủ xuất khẩu, khiến nhu cầu suy yếu
Giá gạo giảm tại Ấn Độ cũng ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam, quốc gia xuất khẩu lớn thứ ba, nhưng giá gạo 5% tấm của Việt Nam không thay đổi, duy trì ở mức 395 - 400 USD/tấn.
"Hoạt động thương mại đang chậm lại vì giá gạo Việt Nam tương đối cao, đặc biệt là khi so với giá gạo Ấn Độ ... Các nhà xuất khẩu đã đánh mất khách hàng châu Phi cho các đối thủ Ấn Độ vì lý do này", một thương lái có trụ sở tại TP HCM cho biết.
Việt Nam xuất khẩu 444.235 tấn gạo trong tháng 7, giảm 17,4% so với tháng 6, số liệu chính phủ công bố vào tuần trước cho thấy. Con số này cũng thấp hơn dự báo của chính phủ là đạt 450.000 tấn.
Tại Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, nhu cầu cũng vẫn ở mức thấp, các thương lái cho biết.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 390 - 393 USD (FOB), không thay đổi nhiều so với mức giá 390 USD trong tuần trước.
Hôm thứ Tư (15/8), Bộ thương mại Thái Lan cho biết, tính đến ngày 15/8, quốc gia này đã xuất khẩu 6,99 triệu tấn gạo trị giá 3,52 tỷ baht, tăng 2% so với một năm trước.
Trong khi đó, Bangladesh, vốn đã nổi lên như một nước nhập khẩu gạo lớn kể từ năm 2017 sau khi lũ lụt tàn phá mùa màng, tiếp tục thu mua gạo nội địa.
Trong năm tài chính 2017 - 2018 kết thúc vào tháng 6, Bangladesh đã nhập khẩu kỷ lục 5,7 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, nhập khẩu giảm mạnh sau khi chính phủ quốc gia này áp dụng mức thuế 28% đối với hạt có nguồn gốc từ quốc gia khác để hỗ trợ người nông dân địa phương sau sự phục hồi trong hoạt động sản xuất nội địa.
Gạo trữ tại các nhà kho của chính phủ đạt gần 1,3 triệu tấn, dữ liệu từ bộ thực phẩm Bangladesh chỉ ra.