Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Xuất khẩu gạo chủ yếu vẫn “đánh bắt gần bờ”

Gạo Việt Nam đang tiến tới giảm về số lượng và tăng giá trị xuất khẩu thông qua việc nâng chất lượng và xây dựng thương hiệu. Ảnh: PV

Gạo Việt Nam đang tiến tới giảm về số lượng và tăng giá trị xuất khẩu thông qua việc nâng chất lượng và xây dựng thương hiệu. Ảnh: PV
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu (XK) gạo Việt Nam giai đoạn 2017-2020 đặt mục tiêu giảm dần lượng gạo XK nhưng tăng trị giá.
Gạo cao cấp được đẩy mạnh để thay thế dần số lượng gạo cấp thấp và trung bình. Tại một hội nghị bàn về phát triển thị trường xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại TPHCM, nhiều ý kiến cho rằng, các DN XK gạo vẫn nên giữ thị trường truyền thống và thị trường có vùng địa lý gần để tận dụng lợi thế.
Ưu tiên thị trường Châu Á và Châu Phi
Theo tính toán của Bộ Công Thương, đến năm 2020, thị trường Châu Á sẽ chiếm tỉ trọng khoảng 60% tổng kim ngạch XK gạo, thị trường Châu Phi chiếm khoảng 22%. Trong khi đó, thị trường Trung Đông chỉ chiếm khoảng 2%, thị trường Châu Âu: 5%, Châu Mỹ: 8%... Đến năm 2030, Châu Á vẫn là thị trường chiếm giữ tỉ trọng lớn khoảng 50% tổng kim ngạch XK gạo, cho thấy các thị trường gần, thị trường có tiềm năng vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA), thị trường gần và thị trường truyền thống vẫn sẽ tiếp tục là những thị trường quan trọng nhất của gạo Việt Nam. Bởi nhu cầu của các thị trường này phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam. Do đó, tận dụng các lợi thế cạnh tranh để củng cố và phát triển các thị trường gần và truyền thống vẫn sẽ là ưu tiên số 1 trong sản xuất, XK gạo những năm tới. Trong đó, đối với thị trường Trung Quốc, dù quốc gia này thay đổi một số chính sách, nâng rào cản kỹ thuật trong nhập khẩu lúa gạo, nhưng vẫn là thị trường đầy tiềm năng bởi nhu cầu NK gạo của nước này rất lớn (lớn hơn cả lượng gạo XK của Việt Nam). Do vậy, Trung Quốc rất cần nguồn cung cấp từ Việt Nam bởi gần về địa lý và người tiêu dùng ở nhiều tỉnh Trung Quốc đã quen sử dụng gạo Việt Nam.
Thay đổi cơ cấu gạo XK
Theo ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký VFA, trong XK, tỉ trọng gạo trắng phẩm cấp trung bình và thấp đang giảm mạnh, trong khi tỉ trọng của gạo thơm, nếp, gạo Japonica tăng trưởng ấn tượng. Trong 9 tháng năm 2017, gạo trắng phẩm cấp trung bình chỉ chiếm 9,05% và gạo trắng phẩm cấp thấp là 4,65%, gạo thơm chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng lượng gạo XK Việt Nam (26,32%), gạo nếp đứng thứ 3 với 23,43%.
Theo chiến lược XK gạo đề ra, đến 2020, giảm tỉ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình xuống không quá 20%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 25%; tỉ trọng gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm khoảng 30%... Đến năm 2030, tỉ trọng gạo trắng thường chỉ chiếm khoảng 25%, trong đó gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 10% tổng lượng gạo XK; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 40%; tăng dần tỉ trọng các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo (khoảng trên 10%).
Ông Đỗ Hà Nam - Tổng Giám đốc Cty CP tập đoàn Intimex - cho rằng, định hướng giảm mạnh gạo trắng phẩm cấp trung bình và thấp là đúng đắn, vì đây là những loại gạo Việt Nam đang ngày càng khó cạnh tranh trên thị trường thế giới do có nhiều nước cùng sản xuất và XK (Pakistan, Myanmar) và có mức giá cạnh tranh hơn. Ở chủng gạo thơm, Việt Nam chỉ có 1 "đối thủ" cạnh tranh là Thái Lan và Campuchia. Điều đáng mừng là gạo thơm Japonica đã XK được ra nước ngoài và được các nước chấp nhận. Đây là thắng lợi lớn của việc XK gạo thơm của Việt Nam, bởi như lời ông Nguyễn Minh Huệ: "Từ việc chủ yếu XK gạo trắng, hạt dài chất lượng thấp, đến nay VN đã chuyển mạnh sang xuất khẩu gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao và nếp. Gạo thơm đứng đầu trong rổ gạo của VN với tỉ lệ 26%. Đây là chuyện mà chỉ khoảng hai năm trước DN không dám mơ tới".
DN cần được "cởi trói" hơn nữa
Nhiều ý kiến cũng thẳng thắn nêu những yếu kém, tồn tại của VFA trong thời gian qua, đã không làm tốt vai trò của mình, khiến gạo Việt Nam bị "bỏ lỡ" nhiều cơ hội XK, thậm chí lỡ cơ hội với cả những thị trường truyền thống như Philippines, Bangladesh…
Ngay từ đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo; đồng thời bãi bỏ quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng XK gạo và quy định giá sàn gạo XK; bãi bỏ quy định về đăng ký hợp đồng tại VFA, tạo điều kiện để các DN chủ động hơn. Ông Nguyễn Thanh Long - Giám đốc điều hành Công ty Gạo Việt cho rằng, "để quản lý, cơ quan điều hành xuất khẩu gạo chỉ cần tiếp nhận thông tin từ cơ quan hải quan, vì khi xuất khẩu DN đã làm tờ khai hải quan". Một số chuyên gia cũng đề nghị: Để các DN được cạnh tranh bình đẳng, cần bỏ thế độc quyền của Vinafood 1 và Vinafood 2 đối với thị trường xuất khẩu gạo truyền thống.