Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

"Út Trọc", "Vũ Nhôm", "Hot Girl xứ Thanh" và bài học nước mắt

Những nhân vật có biệt danh "Út Trọc", "Vũ Nhôm", "Hot girl xứ Thanh"... liệu có mối liên hệ nào chăng?
Điều thấy rõ nhất, là những cái tên này được dư luận xã hội và truyền thông nhắc đến, với mật độ khá dày đặc trong thời gian gần đây. Mỗi người mỗi vẻ, không cùng đầu dây mối nhợ, không cùng hội cùng thuyền, nhưng họ cùng trở thành tâm điểm cho những cuộc bàn luận chính thức và không chính thức, về những "nhóm rác khủng" lộ diện và tan chảy dưới sức nóng lò lửa của Đảng thiêu đốt sự tha hoá, tiêu cực, tham nhũng; về dấu hiệu quyền lực ngầm, manh nha hình bóng mafia và sức phản kháng của xã hội... Họ chưa hẳn là tội phạm, nhưng những hậu quả mà họ gây ra cho xã hội lại mang đặc trưng của loại tội phạm.

Đó là góp phần làm tha hóa cán bộ trong bộ máy công quyền, làm méo mó các giá trị văn hóa truyền thống, vô hiệu hoá hiệu lực của cơ quan chức năng. Rõ nhất là gây tâm lý hụt hẫng, bất an trong xã hội, khiến niềm tin của nhân dân vào chế độ, hệ thống chính trị và tính nghiêm minh, công bằng của nhà nước pháp quyền bị sụt giảm.

Vũ Nhôm,Út Trọc,chống tham nhũng,Trần Vũ Quỳnh Anh
Những biệt danh tai tiếng "Vũ nhôm", "Út trọc", "hot girl xứ Thanh"... để lại những "bài học nước mắt".
Họ cũng có điểm chung là khai thác, tận dụng mọi mối quan hệ, mượn hơi, núp bóng quyền lực để thu lợi, sau đó dùng vật chất và thứ "siêu vật chất" để can thiệp, sai khiến quyền lực. Những nhân vật kiểu này, khi nhận thấy dấu hiệu bị phát giác thường nhanh chóng tẩu tán hồ sơ, bôi xóa dấu vết, chọn chước "cao chạy xa bay", tức "tẩu tán nhân sự".

Dư luận xã hội và nhân dân quan tâm đến những nhân vật có biệt danh này là thể hiện thái độ tích cực trước diễn biến tình hình thời sự chính trị, xã hội của đất nước. Thêm một biệt danh "đen" được đưa ra ánh sáng là bớt đi mầm họa tội ác, bớt đi một liên danh lợi ích nhóm làm nghèo đất nước, làm vẩn đục thanh danh tổ chức, đồng thời tăng thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, bớt đi cái cớ mà kẻ xấu, thế lực thù địch thường vin vào, giở trò chọc ngoáy, xuyên tạc.

Những cái tên gọi theo lối biệt danh này, khiến không ít người nhớ lại những cái tên tai tiếng một thời, cũng là những biệt danh, những "Khánh Trắng", "Hiệp phò mã", "Thuyết buôn vua"... Họ lôi kéo và chi phối quyền lực công, gây nhiễu loạn xã hội, khiến nhiều giá trị nhân bản bị đảo lộn... Những nhân vật gắn với biệt danh này khiến công chúng trong từng giai đoạn tâm trạng hồ nghi, căm phẫn nhưng e dè, thậm chí e sợ.

Những biệt danh tai tiếng "Vũ nhôm", "Út trọc", "hot girl xứ Thanh"... để lại những "bài học nước mắt".

Nói "bài học nước mắt", vì sau mỗi mất mát, hư hao, phẫn nộ và tiếc nuối, mới lại nhận ra những điều "nếu như".

Nói "bài học nước mắt", vì sau những "nếu như", nếu là người tử tế, yêu Nước, thương Dân, vì Đảng, không thể không ứa trào nước mắt.

Nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có trí tuệ và liêm chính, thì chắc chắn họ không để nảy nòi những "Vũ nhôm", "Út trọc", "hot girl xứ Thanh" và nhiều nhân vật mang biệt danh khác gây nhiễu loạn xã hội, còn lẩn khuất đâu đó. "Bụt trên tòa, gà nào dám mổ". Người đứng đầu nghiêm ngắn, thượng tôn pháp luật, thượng tôn tổ chức, không những cấp dưới không dám "đút chân lỗ mũi", mà cả những đối tượng "mượn hơi hùm dọa khỉ", cũng dễ gì múa may!