Thường được hình thành theo cách doanh nghiệp Việt Nam góp đất, doanh nghiệp nước ngoài góp vốn đầu tư, các liên doanh của những VEAM, PV Machino hay Vinafor… hàng năm vẫn đem về lợi nhuận "khủng" cho công ty đầu tư, đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh cuối cùng.
Giống như việc sở hữu một con gà biết đẻ trứng vàng như trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine, nhiều doanh nghiệp Việt Nam (chủ yếu có gốc gác là công ty Nhà nước) có được các liên doanh hiệu quả với Tập đoàn nước ngoài, để từ đó thu lợi đều mỗi năm mà không tốn quá nhiều công sức.
Liên doanh ô tô, xe máy hốt "trứng vàng" qua nhiều năm
VEAM hưởng lợi không nhỏ từ các nhà sản xuất ô tô như Toyota, Honda và Ford
Nổi tiếng nhất trong nhóm này phải kể đến Tổng công ty Máy động lực Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM — Mã: VEA). Sở hữu ba liên doanh, liên kết siêu lợi nhuận và đều là các thương hiệu sản xuất ô tô, xe máy nổi tiếng thế giới: 30% Honda Việt Nam, 20% Toyota Việt Nam và 25% Ford Việt Nam.
Thành công của các liên doanh này tác động trực tiếp đến kết quả lợi nhuận hàng năm, nếu như không muốn nói là đóng góp chủ yếu vào lợi nhuận của VEAM qua các năm. Nhiều năm trở lại đây, VEAM thường xuyên gặp phải tình trạng lợi nhuận sau thuế còn cao hơn cả doanh thu, tiền mặt dồi dào đem gửi ngân hàng, cũng bởi dòng tiền cổ tức từ Honda, Toyota và Ford.
Đơn cử năm 2018, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh chính của VEAM đạt 7.070 tỉ đồng, lợi nhuận gộp 603 tỉ đồng nhưng nhận tới 6.852 tỉ đồng tiền lãi trong liên doanh liên kết. Đó là còn chưa kể 416 tỉ đồng doanh thu tài chính, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi do tiền mặt quá nhiều. VEAM báo lãi ròng 7.047 tỉ đồng trong năm, cao nhất trong lịch sử.
BM tổng hợp
Nếu đã là cổ đông của VEAM trong một vài năm trở lại đây, có lẽ nhà đầu tư sẽ không cần phải hối hận. Cổ tức mỗi năm chia tỷ lệ 35% — 40%, cổ phiếu VEA tăng 20% kể từ khi giao dịch trên thị trường UPCoM tháng 6 năm ngoái và hiện đang ở mức cao nhất lịch sử gần 60.000 đồng/cp.
Chưa hết, kết quả kinh doanh của ba liên doanh siêu lợi nhuận Honda, Toyota và Ford nửa đầu năm nay hết sức ấn tượng sau tác động của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Theo số liệu từ VAMA, doanh số bán hàng của cặp đôi Toyota và Lexus tương ứng tăng 44% và 937% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh số Honda tăng 47%, doanh số của Ford tăng 61%. Nhưng con số biết nói phản ánh việc năm 2019 có lẽ sẽ tiếp tục là một năm thành công của các liên doanh và là một năm bội thu của VEAM.
Một liên doanh ô tô — xe máy cũng rất thành công là "cái bắt tay" giữa Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), hãng xe Nhật Bản — Yamaha và Công ty Công nghiệp Hong Leong (Malaysia). Vinafor sở hữu 30% liên doanh với hai công ty này, và đây là một trong những nhà sản xuất xe máy thành công nhất tại Việt Nam. Ngoài ra, Vinafor còn có các liên doanh sản xuất nguyên liệu giấy trong đó có một liên doanh với Tập đoàn Sojitz Nhật Bản và JK Paper của Ấn Độ.
Tổng hợp cho thấy, năm 2018 lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết đóng góp về cho Vinafor đạt 762 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu lợi nhuận của công ty này. Năm trước đó, Vinafor thậm chí thu hơn 1.000 tỉ đồng từ các "gà đẻ trứng vàng".